Liên kết hoá học

Kết luận về việc tạo thành liên kết hoá học

    Trong các phản ứng hoá học, các nguyên tử kết hợp với nhau để tạo ra cho mỗi nguyên tử lớp electron ngoài cùng bền vững giống cấu trúc của khí hiếm.

    Quá trình đó có thể xảy ra theo hai cách :

    1. Hoặc hình thành những cặp electron chung cho các nguyên tử : đó là liên kết cộng hoá trị.

    Liên kết cộng hoá trị được tạo thành giữa những nguyên tử giống nhau (liên kết cộng hoá trị không có cực) hoặc giữa những nguyên tử của những nguyên tố có tính chất gần giống nhau (liên kết cộng hoá trị có cực).

    2. Hoặc chuyển hẳn 1 hay 2, 3 electron từ nguyên tử này sang nguyên tử khác, do đó các nguyên tử biến thành những ion mang điện ngược dấu; chúng hút nhau bằng lực hút tĩnh điện.

    Liên kết ion được tạo thành giữa hai nguyên tố có tính chất hoá học rất khác nhau.

    Thật ra, không có ranh giới rõ rệt giữa liên kết cộng hoá trị và liên kết ion.

    Ví dụ : Ta xét các phân tử sau :

    Cl : Cl                                        H : Cl                                        Na+ Clˉ

    Phân tử không có cực                         Phân tử có cực                                        Phân tử ion

    Trong phân tử có cực đã có một phần ion.

    Liên kết cộng hoá trị có cực là dạng chuyển tiếp giữa liên kết cộng hoá trị không có cực và liên kết ion. Trên thực tế, các phân tử đơn chất (có liên kết cộng hoá trị không có cực) và các hợp chất ion không nhiều lắm, còn đa số là các chất có liên kết cộng hoá trị có cực.

    Ghi chú : Quy tắc "Các nguyên tử liên kết với nhau để đạt tới cấu hình electron của khí hiếm có 8 electron bền vững" đúng với đa số các hợp chất thông thường, nhưng trong một số trường hợp, quy tắc này không phù hợp.

Fri Nov 08 2024 13:06:05 GMT+0000 (UTC)
Copyright© 2023 Học Học Học.