Liên kết hoá học

Vị trí của các nguyên tố trong hệ thống tuần hoàn và tính chất hoá học của chúng

a) Biết vị trí của một nguyên tố trong hệ thống tuần hoàn (tức là biết số thứ tự của nguyên tố, số thứ tự của chu kì, số thứ tự của nhóm, phân nhóm chính hay phụ) , có thể suy ra cấu tạo nguyên tử của nguyên tố đó.

    Ví dụ : Biết nguyên tố có số thứ tự là 20 thuộc chu kì 4, phân nhóm chính nhóm II, có thể suy ra : Nguyên tử của nguyên tố đó có 20 proton, 20 electron. Nguyên tử đó có 4 lớp electron (vì số lớp electron bằng số thứ tự của chu kì) ; Có 2 electron ngoài cùng (vì số electron ngoài cùng của các nguyên tố phụ thuộc phân nhóm chính bằng số thứ tự của nhóm). Đó là nguyên tố canxi.

    Ngược lại, biết cấu tạo nguyên tử của một nguyên tố, có thể suy ra vị trí của nguyên tố đó trong hệ thống tuần hoàn.

    Ví dụ : Biết cấu hình electron của một nguyên tố là 1s2 2s2 2p6 3s2 3p5 có thể suy ra nguyên tố đó chiếm ô thứ 17 trong hệ thống tuần hoàn (vì nguyên tử có 17e, 17 proton, điện tích hạt nhân là 17+ bằng số thứ tự của nguyên tố trong hệ thống tuần hoàn), nguyên tố đó thuộc chu kì 3 (vì có 3 lớp electron), thuộc phân nhóm chính nhóm VII (vó 7 electron ngoài cùng). Đó là nguyên tố clo.

b) Biết vị trí của một nguyên tố trong hệ thống tuần hoàn, có thể suy ra những tính chất hoá học cơ bản của nó.

    Đó là :

    - Tính kim loại (các nguyên tố phân nhóm chính nhóm I, II, III, trừ bo) ; tính phi kim (các nguyên tố phân nhóm chính nhóm VII, VI, V).

    - Hoá trị cao nhất với oxi

    - Viết được công thức hợp chất với oxi

    - Oxit và hiđroxit có tính axit hay bazơ.

    Ví dụ : - Nguyên tố canxi thuộc chu kì 4, phân nhóm chính nhóm II.

    - Vậy nó là kim loại

    - Hoá trị cao nhất với oxi bằng 2 (bằng số thứ tự của nhóm).

    - Công thức oxit cao nhất là CaO. Không tạo hợp chất khí với hiđro.

    - CaO và Ca(OH)2 có tính bazơ mạnh

c) Dựa vào hệ thống tuần hoàn, có thể dự đoán được cấu tạo nguyên tử và tính chất hoá học của các nguyên tố chưa được tìm ra.

    Ví dụ : Nguyên tố có số thứ tự 87 không tồn tại trong tự nhiên, nhưng trước khi điều chế nhân tạo được nguyên tố đó người ta đã dự đoán được cấu tạo nguyên tử và những tính chất hoá học cơ bản của nó theo cách suy đoán sau :

    - Nguyên tố có số thứ tự 87, vậy có 87 proton và 87 electron.

    - Nó có 7 lớp electron (vì thuộc chu kì 7).

    - Lớp ngoài cùng có 1 electron (vì ở phân nhóm chính nhóm I).

    - Tính chất hoá học của nó là tính chất của kim loại kiềm và trong nhóm kim loại kiềm, nó có tính chất kim loại mạnh nhất (vì nó nằm ở cuối nhóm).

    Cấu tạo nguyên tử và tính chất hoá học của nguyên tố franxi (Z = 87) điều chế nhân tạo năm 1939 đã xác nhận các dự đoán trên là hoàn toàn đúng đắn.

Fri Nov 08 2024 12:37:20 GMT+0000 (UTC)
Copyright© 2023 Học Học Học.